Trong những năm qua, công tác phòng chống lao trên địan bàn xã Trường Tây ( huyện Hòa Thành) được đẩy mạnh nhiều bệnh nhân lao được phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn. Đây là kết quả sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành trong công tác khám phát hiện, điều trị dần đẩy lùi nguồn lây mới trong cộng đồng.
Theo ông Đinh Văn Hữu-CT.HND xã cho biết: Trường Tây, ước tính mỗi năm có khoảng 61 bệnh nhân lao mới các thể. Tuy nhiên, những năm gần đây, Trường Tây mới phát hiện được khoảng 45 - 50 bệnh nhân mỗi năm, chỉ đạt khoảng 74 - 85% so với ước tính. Như vậy còn một lượng bệnh nhân trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị hoặc điều trị ngoài chương trình chống lao quốc gia (CTCLQG) không đúng cách dễ tạo ra tình trạng lao kháng thuốc, có các biến chứng và di chứng nặng, đặc biệt là luôn tồn tại những nguồn lây nguy hiểm trong cộng đồng.
Trong những năm qua, CTCLQG đã chủ động xây dựng, củng cố mạng lưới phòng chống lao từ tỉnh, huyện đến cơ sở; cán bộ chuyên trách công tác chống lao tại các tuyến được phân công trách nhiệm, phụ trách từng địa bàn cụ thể để nắm bắt kịp thời tình hình bệnh tật và lượng giá công tác thực hiện chương trình, vì thế công tác phát hiện và quản lý điều trị bệnh lao trong toàn tỉnh Tây Ninh nói chung và xã Trường Tây nói riêng đạt hiệu quả cao, đạt được các mục tiêu của CTCLQG đưa ra, trong năm 2018 tại xã đã phát hiện 26 bệnh nhân lao mọi thể, trong đó có 17 bệnh nhân lao phổi AFB(+) mới phát hiện; tỷ lệ bệnh nhân lao phổi AFB(+) được điều trị khỏi đạt 92,6%. Đối với công tác phòng chống lao việc xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng là việc làm rất quan trọng trong việc quản lý và điều trị bệnh nhân, vì thế cán bộ phòng chống lao tại trạm y tế đã chủ động vận động thuyết phục những người dân nghi lao trong cộng đồng đi xét nghiệm bệnh để được điều trị kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Tiến Dũng, 53 tuổi ngụ ấp Trường Phước, xã Trường Tây chia sẻ: "Khi biết mình mắc bệnh lao, tôi rất hoang mang, ngại tiếp xúc với mọi người, giấu bệnh nên bệnh ngày càng nặng hơn. Nhưng nhờ được cán bộ y tế tư vấn, động viên tôi xuống trung tâm y tế huyện xét nghiệm và điều trị theo đúng phác đồ nên chỉ trong một thời gian ngắn tôi đi xét nghiệm lại đã có kết quả âm tính".
Bác sĩ Lý Thị Kim Liên, Trưởng Trạm Y tế xã cho biết: Bệnh nhân trên địa bàn xã quản lý sau khi phát hiện và kết luận bị bệnh lao đều được lập sổ đăng ký quản lý điều trị và được cung ứng thuốc điều trị đầy đủ theo đúng phác đồ điều trị của chương trình. Chuyên trách chống lao của trạm y tế nhận thuốc của chương trình và cấp phát cho người bệnh hàng tháng tại trạm, đồng thời hướng dẫn, đôn đốc bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, đúng lịch, không được bỏ thuốc, cung cấp những thông tin cần thiết trong quá trình điều trị cần ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý và vệ sinh đúng cách tránh lây lan cho người xung quanh.
Hằng năm, xã Trường Tây có khoảng gần 70 lượt người được khám, phát hiện lao. Năm 2017, toàn xã phát hiện mọi thể 65 bệnh nhân, trong đó, 45 trường hợp lao phổi AFB dương tính mới, 20 trường hợp lao phổi AFB tái phát và một số thể lao khác.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, điều trị bệnh lao, năm 2011 xã Trường Tây được Tổ phòng chống Lao tỉnh Tây Ninh chọn làm điểm và thành lập chi hội phòng chống lao và duy trì cho đến nay từ đó nhận thức của người dân ngày càng nâng lên.
Hội Nông dân còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thực hiện hiệu quả chiến dịch truyền thông Ngày Thế giới phòng, chống lao với nhiều hình thức: cổ động, diễu hành, treo băng rôn tuyên truyền phòng, chống lao tại các tuyến đường chính của xã. Tuyên truyền trực tiếp cho 250 lượt bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; truyền thông lồng ghép tại cộng đồng 202 tổ tự quản, với 5.280 lượt người tham gia; phát 7.000 tờ rơi tại các ấp.
Ngoài những thuận lợi trên nhưng xã Trường Tây cũng còn một số khó khăn, thách thức như đối với công tác phòng chống bệnh lao là vấn đề kháng thuốc do bệnh nhân bỏ dở việc điều trị; việc tiếp cận dịch vụ phòng chống bệnh lao tại đồng bào dân tộc khơ me còn gặp khó khăn; nguy cơ phát sinh nguồn lây trong cộng đồng vẫn chưa có giải pháp phòng chống hữu hiệu; nhiều người còn ngần ngại đến cơ sở y tế khám, đến khi được phát hiện thì bệnh đã tiến triển nặng.
Đặc biệt, do tác động của đại dịch HIV/AIDS, hiện nay, số bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV tăng cao, do đó đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, ngành trong công tác phòng chống lao tại cộng đồng.
Để hoạt động chống bệnh lao ở cơ sở phát huy hiệu quả tích cực, điều quan trọng nhất là cần thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng, chống cho chính mình và mọi người trong cộng đồng; đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể nâng cao hơn nữa chất lượng các hoạt động phòng, chống bệnh lao, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Với sự phát triển của nền y học hiện đại, bệnh lao hiện không còn là một trong "tứ chứng nan y" nhưng bệnh vẫn đang là vấn đề sức khỏe của toàn cầu. Với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ngành, sự nỗ lực của hệ thống y tế, sự gia tăng của bệnh lao đã được khống chế. Tuy nhiên, bệnh lao vẫn thực sự đang là "vấn đề nóng" do nhiều nguyên nhân khi công tác phát hiện, điều trị đang gặp nhiều khó khăn.
Tiến tới mục tiêu thanh toán hoàn toàn bệnh lao vẫn đang cần nhiều nỗ lực của cộng đồng. Bệnh lao có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, vì vậy không nên coi công tác phòng, chống bệnh lao là nhiệm vụ của riêng ngành y tế, mà các cấp, các ngành, các địa phương cần có sự quan tâm thích đáng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết về phòng, chống lao cho người dân, không xa lánh, kỳ thị với người mắc bệnh lao./.
LINH VŨ
Ý kiến bạn đọc