Thời gian qua, Đảng bộ xã Trường Tây, huyện Hòa Thành luôn phát huy vai trò lãnh đạo của đảng, từng bước khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, nhất là tập trung công tác xóa nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân.
Ông Trương Văn Đề, Chủ tịch UBND xã cho biết, được sự chỉ đạo của Huyện ủy Hòa Thành về triển khai đề án xóa nghèo bền vững giai đoạn 2011 – 2015 với mục tiêu xóa hết tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Đảng ủy, chính quyền xã đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu cụ thể theo từng năm, thành lập ban quản lý điều hành, phân công từng thành viên xuống địa bàn điều tra khảo sát số hộ nghèo, hộ cận nghèo để có hướng giúp đỡ, tạo điều kiện cho hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Là xã thuần nông, với mật độ dân số khá đông trên 26.700 nhân khẩu trong đó có 64 hộ người dân tộc khơme ở Bàu Ếch với 332 nhân khẩu nên đời sống người dân trước đây rất khó khăn, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, làm thuê, chỉ một số ít sống bằng nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và mua bán nhỏ.
Qua 5 năm tích cực triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, kinh tế xã hội ở Trường Tây có chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Trong đó, các cấp, các ngành cũng đã hỗ trợ người dân trong xã có điều kiện vươn lên thoát nghèo như hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, đẩy mạnh các ngành nghề chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp và các loại hình dịch vụ... Cụ thể, Ngân hàng chính sách xã hội huyện xét cho vay ủy thác trên 700 hộ nghèo với tổng số tiền trên 8,6 tỷ đồng; nguồn vốn của tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng giải quyết cho 25 hộ nghèo mượn vốn không tính lãi, thời hạn 24 tháng để sản xuất chăn nuôi; phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho 320 lao động nông thôn… Đến nay, số hộ nghèo đã giảm được 566/746 hộ, tỉ lệ giảm gần 10%. Toàn xã chỉ còn 2,89% hộ nghèo trong đó hộ nghèo diện trung ương chỉ còn 51 hộ, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ. Ông Vỏ Văn Sung, sinh năm 1985, ngụ ấp Trường An, chỉ với 3 công đất trồng hành lá, nhờ có sự hỗ trợ vốn của nhà nước và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mỗi vụ hành (khoảng 2 tháng), Ông thu nhập trên 50 triệu đồng. Nổi bật là ông Phạm Văn Nha, sinh năm 1952, cũng ngụ ấp Trường An. Nhà có 1 hecta đất nhưng trước đây gia đình ông rất khó khăn do thiếu vốn sản xuất. Nhờ được sự hỗ trợ vốn, ông chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang lập vườn cây ăn trái, đào ao thả cá, chăn nuôi gà, nuôi cúc lấy trứng và trồng các loại hoa màu hàng năm thu nhập trên 150 triệu đồng, cuộc sống gia đình khá vững, con cái cũng đã thành gia lập thất và có cuộc sống ổn định.
Ngoài ra, xã Trường Tây còn thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ về giáo dục, y tế cho người nghèo như miễn giảm học phí cho con em người nghèo, người dân tộc khơme; cấp thẻ BHYT, tặng tivi, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; xây mới và sửa chữa 92 căn nhà đại đoàn kết... Bên cạnh đó, còn đầu tư nâng cấp, sửa chữa trên 40 km đường giao thông nông thôn; xây dựng trường học, Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp chợ Long Hải… Đặc biệt, đã hỗ trợ cho những hộ người dân tộc khơme ở Bàu Ếch theo đề án 143 của Thủ tướng Chính phủ về nhà ở, công trình giếng nước, nhà vệ sinh, hỗ trợ bò cho các hộ chăn nuôi xây vòng, xây dựng nhà truyền thống người dân tộc để làm nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần… nên đời sống bà con người dân tộc ở đây đã khá hơn trước rất nhiều.
Đề án xóa nghèo bền vững ở xã Trường Tây chỉ là động lực để thúc đẩy người dân, nhất là những hộ nghèo tích cực vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Đòi hỏi mỗi người phải có ý chí phấn đấu, tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, không trong chờ, ỷ lại vào nhà nước thì mới mong xóa được nghèo bền vững.
Nguyễn An