Hòa Thành là huyện nội địa, diện tích tự nhiên 8.311,84 ha, có 7 xã, 01 thị trấn, 39 ấp, khu phố với 142.800 người/ 35.857 hộ, là vùng trung tâm của tôn giáo Cao Đài, hơn 90% hộ dân là tín đồ tôn giáo Cao Đài với 120.446 tín đồ, trong đó có 936 chức sắc và 2.264 chức việc.
Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng và trách nhiệm của từng đảng viên, cấp ủy đảng, từng gia đình, cộng đồng và mỗi địa phương, cũng như tạo được phong trào toàn xã hội thực hiện tốt công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là việc làm quan trọng, luôn được quan tâm. Trong thời gian qua đã chủ động đề ra các chỉ tiêu, giải pháp cụ thể và đưa nhiệm vụ xây dựng gia đình vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội đã tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Hiện nay, tại các xã, thị trấn có 39 cán bộ làm công tác tuyên truyền, thường xuyên tham gia các đợt tập huấn, chiến dịch truyền thông, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về hôn nhân- gia đình; trao đổi kinh nghiệm, kiến thức nuôi dạy, giáo dục con cái, chăm sóc người già; hướng dẫn và triển khai tổng hợp các chỉ số về phòng, chống bạo lực gia đình và công tác gia đình, nắm bắt tình hình gia đình tại địa phương tham mưu cấp ủy. Các cơ quan, ban ngành đoàn thể huyện, xã tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thông qua việc vận động thực hiện tốt các tiêu chí của phong trào đã góp phần giữ vững ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vận chất, tinh thần lành mạnh trong nhân dân, điển hình như phong trào xây dựng gia đình không có tệ nạn xã hội; gia đình nông dân văn hóa, gia đình tinh thần thương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, giúp nhau làm kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội ở khu dân cư.
Trong 10 năm qua, bình quân có 97% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa (NQ 95%); 100% ấp, khu phố đạt chuẩn văn hóa (NQ 80%); 5/8 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa; trên 96% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 100% cơ sở tín ngưỡng tôn giáo văn minh, 01 chợ văn minh, 05 chợ trật tự- vệ sinh- an toàn; 8/8/ xã, thị trấn đạt chuyển hóa mạnh theo các tiêu chí xây dựng xã văn hóa nông thôn mới và thị trấn văn minh; huyện hoàn thành chỉ tiêu điểm xây dựng xã nông thôn mới Long Thành Trung, các xã, thị trấn còn lại đạt từ 11 đến 17 tiêu chí. Hoạt động mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được thực hiện xuyên suốt từ huyện đến cơ sở, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đã góp phần tích cực vào việc kiềm chế và kéo giảm số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn huyện, hàng năm giảm từ 15 -20% số vụ bạo lực gia đình và kéo giảm tỉ lệ tảo hôn. Bên cạnh đó, thực hiện Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” đã tổ chức phỏng vấn 900 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ về hậu quả của việc mất cân bằng giới tính.
Đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư về “xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” trong chi bộ, cơ quan, địa phương mình. Huyện ủy tổ chức triển khai, quán triệt cho cán bộ chủ chốt, có 637 lượt đồng chí tham dự. Chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở quán triệt chỉ thị số 49-CT/TW và kế hoạch của Huyện ủy đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Công tác đầu tư xây dựng các công trình phục vụ vui chơi giải trí cho các gia đình ở địa phương đều được quan tâm. Hiện nay, huyện đã xây dựng được 06 Trung tâm VHTT-HT-CĐ ở 6 xã, ngoài ra còn có 8 khu văn hoá thể thao dân lập và 28 CLB sinh hoạt văn hoá thể thao thường xuyên sinh hoạt thu hút đông đảo nhân dân trong huyện tham gia. Đầu tư kinh phí hoạt động của công tác gia đình trong thời gian qua là 165.486.000 đồng (trong đó xã hội hóa là 26.000.000 đồng). Xây dựng nhiều mô hình phòng, chống bạo lực và Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” đưa vào hoạt động đã góp phần tích cực vào việc kiềm chế và kéo giảm số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn Hòa Thành.
Nân cao đời sống kinh tế cho nhân dân, cho từng hộ gia đình là việc làm thường xuyên của huyện. Trong lĩnh vực nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất tăng bình quân 5,15% (NQ tăng 5-5,30%), theo giá so sánh năm 2010 tăng bình quân 4,05%. Công tác chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả, nhiều mô hình khuyến nông được áp dụng như sản xuất lúa theo mô hình liên kết 4 nhà, cánh đồng mẫu lớn; đặc biệt là mô hình sản xuất rau an toàn, cây ăn quả được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm an toàn góp phần bảo vệ môi trường. Giá trị sản xuất 01ha đất nông nghiệp tăng từ 70,65 triệu đồng năm 2010 lên 124,88 triệu đồng năm 2015. Chăn nuôi, đã hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, phát triển mạnh đàn gia súc, kéo giảm được tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ. Tỷ trọng chăn nuôi trong giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 17%. Toàn huyện hiện có 14 HTX (03 HTX nông nghiệp, 06 HTX tiểu thủ công nghiệp, 02 HTX dịch vụ vận tải, 03 Quỹ tín dụng Nhân dân)với trên 5.000 xã viên, tổng số vốn điều lệ trên 5 tỷ đồng; 11 tổ hợp tác (05 THT nông nghiệp, 02 THT thủy sản, 03 THT tiểu thủ công nghiệp, 01 THT dịch vụ khác).
Hằng năm, nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6) huyện tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật phòng, chống bạo lực gia đình và gia đình có 03 thế hệ sống chung trong một gia đình tham gia, qua đó chọn ra các gia đình tiêu biểu tham gia vòng thi cấp tỉnh. Ngành văn hóa cùng Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình phát 3.500 quyển tài liệu hỏi, đáp và 4.452 tờ tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, Luật hôn nhân gia đình, Luật bình đẳng giới. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội từ huyện đến xã, tổ chức sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên, quần chúng và Nhân dân.
Nhìn chung, trong 10 năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện nghiêm túc trong việc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW; Công văn số 107-CV/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 07-KH/HU, ngày 07/12/2005 của Huyện ủy. Ngày càng quan tâm đến công tác gia đình, xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phong trào “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” được duy trì hàng năm. Công tác xây dựng gia đình trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Hộ gia đình khá, giàu tăng lên do có sự đầu tư hạ tầng kinh tế – xã hội. Thực hiện nếp sống mới, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy tình làng nghĩa xóm được đông đảo người dân chú trọng, đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- văn hóa xã hội- quốc phòng an ninh ở địa phương.
Lương Thanh